Giặt khô là gì?
Giặt khô có nghĩa là không dùng nước mà dùng một số dung môi để làm sạch vải. Nước có thể làm hỏng một số loại vải, như là len lông cừu, da và lụa; đôi khi giặt bằng máy giặt thông thường sẽ làm hỏng cúc áo, vải ren, kim sa và các phụ kiện trang trí mỏng manh khác. Vì thế những đồ này cần được giặt khô. Giặt khô được xem là phương pháp giặt tẩy lý tưởng để loại bỏ các loại chất bẩn như dầu mỡ, chất béo… mà không làm bạc màu, mất nếp trang phục như khi giặt với nước.
Một số loại trang phục nên được giặt khô
- Đồ vest
- Quần áo da
- Quần áo lông vũ
- Trang phục dạ
- Trang phục bằng chất liệu tơ tằm
- Trang phục bằng len…
Phương pháp này sẽ giúp những loại trang phục này không bị co rút hay giãn rộng, tránh bạc màu và không làm mất đi form dáng ban đầu của quần áo.
Hóa chất giặt khô
Có nhiều loại dung môi giặt khô cho từng loại vải. Trước đây người ta dùng xăng, dầu hỏa, benzene, dầu thông, là những dung dịch dễ cháy và nguy hiểm. Trong những năm 30 của thế kỉ trước, một số dung môi tổng hợp, không cháy, như là perchloroethylene (PCE) và decamethylcyclopentasiloxane (si-li-côn dạng lỏng) được tìm ra và sử dụng cho đến ngày nay.
Các chất tẩy cũng thường được cho thêm vào cùng các dung môi này để loại bỏ chất bẩn là đất. Chất tẩy có thể được cho vào dung môi trước khi giặt hoặc trong khi giặt tùy từng trường hợp, và có tác dụng: Cung cấp độ ẩm giúp làm sạch đất bẩn tan trong nước; Ngăn không cho đất bám trở lại vải; Làm chất dẫn để các dung môi có thể làm vải sạch hơn.
Quy trình giặt
- Bước 1: Kiểm tra và gắn thẻ
Kiểm tra quần áo có bị sút chỉ, thiếu nút hay rách chỗ nào không… Sau đó gắn thẻ lên trang phục để không lẫn lộn với đồ của người khác.
- Bước 2: Tiền xử lý
Tiến hành tẩy điểm những vết bẩn nhỏ trên quần áo như: vết dầu mỡ, vết bút bi… để việc giặt trở nên dễ dàng hơn.
- Bước 3: Giặt khô
Đưa quần áo vào máy giặt khô với trọng lượng tương thích với công suất của máy. Khi nhấn nút giặt, thiết bị sẽ sử dụng dung môi để làm sạch trang phục. Tùy theo loại đồ vải cụ thể, sau 2 – 5 quy trình giặt, quần áo sẽ được xả, vắt và sấy khô để bay hết dung môi. Tiếp đó, chuyển sang máy cầu là và thổi để khôi phục form dáng chuẩn ban đầu của trang phục.
- Bước 4: Kiểm tra lại và bao gói
Kiểm tra lại trang phục để xem có vết bẩn nào còn sót lại hay bị hư hỏng gì không. Nếu có thì tiến hành khắc phục và bao gói quần áo lại để giao trả cho khách.
– Quy trình hoạt động của thiết bị giặt khô
- Khi đưa vào máy, quần áo được xoay liên tục trong lồng giặt, dung môi từ hệ thống bơm sẽ xịt liên tục vào trang phục để ngâm và giặt quần áo. Dung môi bẩn được chuyển sang hệ thống lọc và tái lưu thông, chất bẩn sẽ đọng lại trong các bộ lọc.
- Trang phục sau khi được giặt xong được chuyển sang chế độ sấy. Hơi nóng từ lồng giặt sẽ khiến lượng dung môi còn sót lại bốc hơi đi, làm khô quần áo. Một số loại máy giặt khô hiện nay có trang bị đĩa lọc carbon hoạt tính giúp lọc màu và thu hồi lượng dung môi còn sót lại trên trang phục nhiều hơn.
- Các loại dung môi thường được sử dụng trong giặt khô: Perchloroethylene (PERC) – Dung môi giặt khô gốc muối, Hydrocarbon (dung môi giặt khô gốc dầu), Glycol ether, CO2 lỏng…
Lưu ý khi thực hiện:
Dung môi giặt khô PCE (dung môi gốc muối) là lựa chọn phổ biến nhất dùng cho phương pháp giặt này do hiệu quả cao nhưng chất này nguy hiểm cho cả môi trường và sức khỏe, nhất là những người làm việc trực tiếp tại xưởng giặt là. Bên cạnh đó, do tỷ trọng lớn hơn nước nên lực va đập giữa đồ giặt với dung môi giặt sẽ lơn hơn. Do vậy, dung môi này sẽ tạo ra nguy cơ làm vỡ, hỏng cúc hoặc các phụ kiện đi kèm.
Dung môi gốc dầu mỏ (Hydrocarbon) không có hấp lực mạnh với các vết bẩn có tính dầu như PERC nên khả năng loại bỏ vết bẩn kém hơn tuy nhiên an toàn với con người và ít gây hư hỏng các phụ kiện quần áo (do tỷ trọng của dung môi carbon chỉ là 0.8 nên lực cơ học khi giặt nhỏ hơn so với PERC).
Hy vọng những thông tin mà Công ty TNHH Xây dựng và Công nghệ DTL chia sẻ trên đây sẽ hữu ích với bạn, giúp hiểu rõ giặt khô là gì và những điều liên quan đến giặt khô & hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc trong bộ phận.